Nếp Tú Lệ được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác. Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.
Gạo nếp Tú Lệ hạt to, tròn, trắng trong, mẩy không bị gẫy, đồ lên dẻo thơm
Ai đã từng thăm Yên Bái vào Nghĩa Lộ, lên Tú Lệ, Mù Cang Chải sẽ cảm nhận được sự trong lành của khí hậu, bao la hùng vĩ của núi đồi và tấm lòng hồn hậu, mến khách của người dân Tây Bắc.
Do những đặc trưng của điều kiện tự nhiên, phương thức canh tác của bà con dân tộc Tây Bắc (dân tộc Dao, Thái) đã làm ra loại nông sản mang tính đặc trưng vùng miền. Một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên.
Nếp Tú Lệ được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác. Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.
Gạo nếp ở đây rất ngon, dẻo thơm nổi tiếng là vì cánh đồng lúa được tưới mát bởi con suối đầu nguồn Mường Lùng, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao, thung lũng Tú Lệ lại nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng mạch tinh bột Aminôtécpin, quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo. Thêm nữa là cấu tạo của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên cây nếp Tan Lả trồng xuống bén rễ xanh non mơn mởn. Chính vì vậy nếp Tan Tú Lệ được coi là gạo sạch và có mùi thơm rất lạ. Điều đặc biệt hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.
Thung lũng Tú Lệ – nơi gieo trồng giống lúa Tú Lệ thơm ngon nổi tiếng
Theo truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, tổ tiên của người Thái được Tiên ông ban cho một giống thóc quý. Tiên ông dạy rằng, hãy tìm một nơi thích hợp để gieo trồng, sẽ được loại nếp thơm ngon. Người Thái đã mang giống lúa ấy đi gieo ở khắp vùng Tây Bắc, nhưng không nơi nào có được kết quả như lời Tiên ông dặn, nơi thóc không nảy mầm, nơi thì lúa còi cọc bông lép… Khi đoàn người đi tới chân đèo Khau Phạ (Sừng trời), dừng chân bên con suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát, ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt.
Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa, quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường, khi trổ bông tỏa ra một hương thơm tinh khiết. Khi lúa chín, đem xay được những hạt gạo to tròn, trắng trong, có hương thơm quyến rũ vô cùng.
Mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp bản. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản. Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…
Cảm tạ tấm lòng Tiên ông ban cho giống thóc quý, nên vào khoảng tháng 10, mùa lúa chín, những người Thái ở Tú Lệ thường tổ chức lễ cúng Cơm mới. Lễ vật cúng là những bông lúa to hạt mẩy làm cốm, thóc đồ.
Niềm vui mùa gặt – Ảnh: Thanh Miền
Để có được xôi nếp thơm ngon người dân Tú Lệ phải tỉ mỉ chăm sóc những thửa ruộng của mình từ lúc gieo trồng đến lúc gặt hái, tận mắt chứng kiến chúng ta mới hiểu hết giá trị của từng hạt nếp. Nếp Tan Lả được người Thái Tú Lệ chế biến thành nhiều món ăn mang đặc trưng địa phương để giới thiệu với khách, nhất là trong lễ hội Lồng Tồng. Cốm làm từ nếp non, gói trong lá dong xanh như tăng thêm màu xanh của cốm và tỏa ra hương thơm của sữa lúa. Xôi nếp Tú Lệ dẻo thơm mà cầm trên tay không bị dính, bề mặt hạt xôi có lớp dầu làm nên vị béo ngậy hiếm có. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh trưng, bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì ngon không thứ gì sánh nổi.
Mâm xôi ngũ sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc – Ảnh: Internet
Lý giải về những đặc trưng của nếp Tú Lệ, các nhà khoa học cho rằng sở dĩ gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm là vì được gieo trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng và nồng độ kali cao tạo nên nét đặc thù của nếp Tú Lệ, không lẫn với bất cứ nơi nào khác. Nếp thơm Tú Lệ là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được và đã trở thành niềm tự hào của những người dân Tú Lệ nói riêng, Yên Bái nói chung.
Ý thức được giá trị đặc biệt của giống lúa nếp Tú Lệ, những năm qua huyện Văn Chấn đã triển khai các dự án về phục tráng giống lúa nếp Tan Tú Lệ. Ngày 13/10/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ. Sản phẩm gạo nếp Tan là một trong số nông sản đặc sản đã được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh thành phố trong cả nước.