Mô hình nuôi trâu của gia đình chị Đinh Thị Nghiệp, thị trấn Sơn Thịnh sử dụng vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Văn Chấn.
Năm 2021, Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung huy động vốn nhanh, đảm bảo dòng vốn thông suốt, chuyển tải đều đặn, an toàn đến mọi nơi, mọi lúc.
Tính hết tháng 11/2021, tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn đạt trên 503,6 tỷ đồng, bằng 99,2% kế hoạch. Trong đó, vốn Trung ương trên 434,5 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch; vốn huy động tại địa phương trên 63,4 tỷ đồng, bằng 105,2% kế hoạch. Toàn bộ vốn đã được chuyển tải kịp thời tới tận tay các hộ nghèo, các đối tượng chính sách thông qua hệ thống điểm giao dịch tại xã và mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn ở khắp các thôn bản, tổ dân phố.
Không chỉ tiếp vốn kịp thời, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị xã hội đã lồng ghép việc cho vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao công nghệ, giúp cho hộ nghèo nâng cao hiểu biết và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình áp dụng chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các nghề truyền thống đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình vay vốn. Gia đình chị Lò Văn Nhung ở tổ dân phố Sơn Lọng, thị trấn Sơn Thịnh là một trong những mô hình như vậy.
Chị Nhung cho biết: “Nhiều năm liền, gia đình tôi luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Năm 2017, gia đình thoát nghèo, nhưng vừa mừng lại vừa lo, lo vì không biết làm gì để có thêm thu nhập. Được sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2018, gia đình được vay 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư sản xuất. Có vốn, gia đình đầu tư mua 2 con trâu về nuôi phát triển kinh tế hộ. Đến nay, gia đình tôi có thêm 1 con nghé, hiện một trâu nái sắp sinh, gia đình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt, tích cóp đủ vốn trả gốc, vươn lên tạo dựng một cuộc sống khấm khá hơn”.
Gia đình chị Đinh Thị Nghiệp ở thị trấn Sơn Thịnh cũng được vay vốn của NHCSXH huyện Văn Chấn để đầu tư chăn nuôi. Chị Nghiệp cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn này, gia đình mua trâu cái sinh sản về nuôi, chăn nuôi ngan, vịt và phát triển sản xuất góp phần tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống và nâng cao thu nhập. Nếu không có sự hỗ trợ vốn kịp thời, nguy cơ tái nghèo của gia đình khi gặp rủi ro rất cao. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo”.
Ông Đinh Công Thái – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, giải ngân trên 126 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ đến thời điểm này đạt gần 503 tỷ đồng với 13.205 khách hàng còn dư nợ, tăng 37,4 tỷ đồng so với năm 2020. Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác kiểm tra sử dụng vốn sau cho vay.
Nhờ vậy, chất lượng tín dụng của đơn vị không ngừng được nâng cao, nợ quá hạn duy trì ở mức thấp, chiếm 0,0402%/ tổng dư nợ. Qua kiểm tra, cơ bản người dân sử dụng vốn đúng mục đích, nguồn vốn được phát huy hiệu quả. Với vai trò được giao, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống; đưa nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là một kênh chủ lực, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.