Theo đó, làng nghề có 152 hộ thành viên, trong đó, thôn Nà Lóng 121/185 hộ (= 65,40%), thôn Phạ Dưới 31/92 hộ (= 33,60%) số hộ tham gia. Năm 2019, thôn Nà Lóng sản xuất được 22,4 tấn gạo nếp Tan, thôn Phạ Dưới sản xuất được 4,0 tấn gạo nếp Tan; cho doanh thu tương tự là 1.906 triệu đồng và 358 triệu đồng; thu nhập bình quân thôn Nà Lóng 3,1 triệu đồng/hộ/tháng, thôn Phạ Dưới 2,3 triệu đồng/hộ/tháng.
Diện tích lúa nếp tại xã Tú Lệ hiện có trên 100 ha, tập trung chủ yếu tại thôn: Phạ Trên, Phạ Dưới, Nà Lóng, Búng Sổm; năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha, sản lượng nếp Tan Tú Lệ hàng năm đạt trên 500 tấn. Nếp Tan Tú Lệ được bà con dân tộc Thái ở đây gieo trồng từ tháng 5 đến tháng 9 – 10 được thu hoạch. Với tập quán canh tác chỉ sử dụng các loại phân chuồng, phân hữa cơ, không dùng thuốc trừ sâu; mỗi vụ làm cỏ lúa hai lần, thu hoạch lúa bằng cách gặt thủ công nên nếp Tan Tú Lệ có hương vị đặc biệt thơm ngon, dẻo mà không nát, được ví như “hạt ngọc Trời ban”.
Ông Hoàng Văn Soàn (Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ) cho biết: Để bảo tồn giống nếp Tan Tú Lệ, Ủy ban xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư thâm canh, giữ vững diện tích trồng giống nếp Tan. Đồng thời, tuyên truyền bà con duy trì lối canh tác, chế biến truyền thống để tạo ra các sản phẩm gạo nếp, cốm nếp – sản phẩm OCOP an toàn, chất lượng, nức tiếng gần xa như bấy lâu nay; đặc biệt chú ý giữ vững thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ, cải thiện nguồn thu nhập chính cho bà con làng nghề.
Tú lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, nằm dưới 3 dãy núi là Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song có diện tích tự nhiên 2.866,77 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 958,59 ha (33,43%); đất lâm nghiệp 1.628,4 ha (56,80%); đất thủy sản 1,12 ha (0,06%); đất phi nông nghiệp 197,7 ha (6,89%); đất chưa sử dụng 80,96 ha (2,82%). Nơi đây là địa bàn cư ngụ của trên 1.300 hộ dân, trong đó đồng bào Thái chiếm trên 90% dân số.
Theo bà Hoàng Thị Lý (Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Chấn), đã từ lâu, sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ đã nức tiếng gần xa và trở thành đặc sản không chỉ riêng của xã Tú Lệ, của huyện Văn Chấn, mà còn là sản vật quý hiếm đặc trưng của tỉnh Yên Bái. Mỗi khi có dịp về Yên Bái, ai cũng háo hức muốn được thưởng thức món xôi nếp Tú Lệ, tìm mua gạo nếp Tú Lệ và cốm nếp Tú Lệ về làm quà Tây bắc.
Cơ hội tốt để bà con giữ gìn nghề truyền thống và cải thiện thu nhập
Được biết, những cánh đồng trồng lúa nếp Tan Tú Lệ nằm ở độ cao khoảng 960 m so với mặt nước biển, nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình 20-300c, mùa đông lạnh nhiệt độ có thể xuống tới 4 – 50c. Do vậy rất thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, ít có sâu bệnh hại. Đây còn là những cánh đồng màu mỡ, giàu các khoáng chất, vi lượng nằm ở chân của 3 dãy núi là Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song.
“Cây lúa nếp Tan được bà con ở đây trồng từ rất lâu đời, do phù hợp với thổ nhưỡng nên cây lúa nếp sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Từ năm 2010 đến nay, bà con trong thôn chuyển dần từ bán thóc sang bán gạo và chế biến cốm đặc sản truyền thống cho thu nhập cao hơn. Các sản phẩm gạo, cốm được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua, nên đã tạo được công ăn việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện nay, cây lúa nếp là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình trồng lúa; đặc biệt, cốm nếp Tú Lệ được chế biến chủ yếu bằng thủ công, nên giữ được hương vị tự nhiên rất đặc trưng” – ông Lò Văn Oa (Trưởng thôn Nà Lóng) tâm sự.
Chia sẻ về tâm trạng của bà con Nà Lóng và thôn Phạ Dưới, Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ Bùi Thị Doan cho hay: Từ khi xã Tú Lệ triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhất là tuyên truyền bà con tham gia “Làng nghề trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nếp Tan Tú Lệ ở thôn Nà Lóng và thôn Phạ Dưới”, tâm thế của đông đảo bà con rất phấn khởi, bởi nguyện vọng mong mỏi bao năm nay của bà con đã được đáp ứng. Đây là cơ hội tốt để bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nghề truyền thống bao đời cha ông để lại, thu hút du khách gần xa và cải thiện đời sống, thu nhập.
Bà Doan nói thêm:Tuy nhiên, hiện nay phần lớn sản phẩm đặc sản nếp Tan của các hộ gia đình tham gia làng nghề chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mà chủ yếu được bán cho thương lái và thị trường tự do, nên giá cả bấp bênh, không ổn định và thường bị ép giá. Do vậy, trong các năm tiếp theo bên cạnh việc duy trì ổn định vùng trồng lúa nếp Tan, làng nghề sẽ chú trọng việc giữ gìn và từng bước xây dựng thương hiệu nếp Tan đặc sản xã Tú Lệ gắn với kết nối thị trường tìm đầu ra ổn định để nâng cao giá trị cho đặc sản gạo và cốm nếp Tan Tú Lệ./.
Bài: Phạm Quỳnh