Khi nắng hạ lui dần thì gió bắt đầu mang hơi thu đến, ấy là lúc táo mèo (sơn tra) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Táo mèo có màu vàng nhẹ, có quả chín má hồng, mùi thơm dịu, vị chua, chát pha chút ngọt thanh làm cho trái táo mèo nổi tiếng xứng với tên gọi “hoa quả sơn” mà chỉ có ở vùng núi cao Tây Bắc. Ở Yên Bái, táo mèo phát triển tập trung ở 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
|
Nhờ sự nổi tiếng ấy mà vài năm trở lại đây, người dân mọi miền Tổ quốc đã biết đến nhiều về giá trị và thương hiệu táo mèo Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Vốn là loại quả nhiều công dụng, táo mèo có thể chế biến ra các thực phẩm như táo mèo dầm xổi, ngâm rượu, làm rượu vang, làm mứt, siro giải khát, nguyên liệu dược phẩm…
Vài năm trở lại đây, cành quả táo mèo còn là vật trang trí trong các không gian nơi ở của người thị thành thay cho thú chơi hoa truyền thống bởi quả giữ được trên cành lá rất tự nhiên, thời gian tươi lâu, quả chín má hồng vàng phảng phất mùi hương dịu nhẹ, man mát, đượm vẻ hoang sơ mà e ấp như cô thiếu nữ miền sơn cước. Nhiều thương lái nắm bắt thị hiếu này đã đến tận cửa rừng ngoài thu mua quả còn đặt cành về phục vụ khách mua.
Chị Nguyễn Thị Hà, công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Thú chơi này có vẻ độc, lạ với người thủ đô, nhưng thông qua đó, tôi cảm nhận rõ sự gần gũi thiên nhiên vùng sơn cước ở trong ngay trong căn phòng nhà mình. Sau khi chơi xong, tôi còn dùng những quả táo mèo này để ngâm rượu, làm dấm chữa bệnh, làm si rô giải khát”.
Mốt cắm nguyên cành quả đã rộ lên ở Hà thành từ mấy năm nay, những ngày giãn cách xã hội này thú chơi này một lần nữa phủ khắp mạng xã hội.
Theo báo cáo đầu năm 2021 của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đã trồng mới 2.892/3.800 ha; duy trì, bảo vệ, chăm sóc diện tích hiện đã cho quả là 1.962,1 ha với tổng sản lượng thu hái quả 3.000 tấn/năm, cung cấp một sản lượng lớn quả táo mèo cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Quả táo mèo Mù Cang Chải đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã được trao chứng nhận nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”.
Tại huyện Trạm Tấu, diện tích táo mèo đã cho quả là 851 ha, trong đó có 200 ha rừng hỗn giao cho quả ổn định hàng năm và 651 ha trồng mới từ năm 2008, sản lượng quả thương phẩm bình quân đạt từ 160 – 200 tấn/năm.
Sau hơn 20 năm trồng và phát triển cây táo mèo, gia đình ông Sùng A Sàng ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải đã có hơn 10 ha. Mỗi năm trước đây, cây táo mèo mang lại thu nhập cho gia đình ông 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Mấy năm giá táo mèo không cao nhưng ổn định. Nay, phục vụ thú chơi của dân thị thành, nhiều tiểu thương lại đặt mua các cành quả nhỏ, mỗi cành dài 60-80 cm có giá 50.000 – 70.000 đồng/cành để về cắm lọ trang trí trong nhà.
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngày 30/9/2016, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 2412/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án và Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 7/6/2019 điều chỉnh bổ sung “Đề án phát triển cây táo mèo (sơn tra) tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.000 ha, bao gồm duy trì 3.820 ha hiện có, trồng mới 6.200 ha trên đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và đất nương rẫy kém hiệu quả. |
Một số hình ảnh mùa táo mèo ở Yên Bái:
Người dân đi thu hái táo mèo.
Thiếu nữ Mông bên cành táo mèo cùng với ruộng bậc thang mùa lúa chín là hình ảnh đặc sắc của Mù Cang Chải vào thu.
Những cành táo má hồng dài khoảng 40 – 70cm được nhiều khách hàng đặt mua online với giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/cành.
Thương lái vào tận cửa rừng để chọn mua táo mèo.
Thanh Miền – Thanh Thủy – www.baoyenbai.com.vn