Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp là xu thế trong phát triển giai đoạn hiện nay; nó có vai trò quan trọng giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, nhất là nông dân.
Nông dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình thu hoạch bưởi.
|
Liên kết cũng là quá trình làm tăng giá trị của doanh nghiệp (DN) trong kinh doanh trên cơ sở cùng chia sẻ cơ hội và rủi ro giữa các bên; tăng cường lợi thế cạnh tranh cho DN trong một môi trường cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh đó, giúp DN giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, đẩy mạnh đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng vị thế trong cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và xây dựng văn hóa DN phù hợp với thực tế.
Bằng những chỉ đạo sát sao, định hướng cách làm và hướng đi rõ nét, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gần đây đã giành được những kết quả rất tốt. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, nhất là sau thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, đời sống người dân nâng lên rõ rệt và nông dân đã chú trọng sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa và thị trường, liên doanh, liên kết theo chuỗi sản phẩm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 – 2020) đạt trên 4,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước 1,5%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 65 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015; giá trị 1 ha chăn nuôi mặt nước đạt tới 300 triệu đồng; nhiều diện tích trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp đạt giá trị 200 triệu đồng/ha.
Đó là kết tinh của thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, bền vững, gắn với chế biến sâu và mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên cho vùng cao, vùng khó khăn với mục tiêu chuyển dịch nhanh kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa ở vùng thấp.
Cùng đó là đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với từng địa bàn.
Đồng thời khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành các vùng dân cư nông nghiệp, nông thôn đa ngành nghề, phát triển bền vững, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa…
Nhờ vậy, 5 năm qua, tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: vùng quế gần 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha), dâu tằm gần 1.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá…
Tỉnh đã phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP (lúa nếp Tú Lệ, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, bưởi Đại Minh, cam sành, dược liệu).
Không dừng lại ở đó, việc đổi mới và mở rộng phát triển các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả ở nông thôn được đặc biệt quan tâm. Trong đó, các HTX, THT tiếp tục được đẩy mạnh, chuyển dịch từ lĩnh vực trồng trọt sang phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Các HTX, THT hoạt động trong khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động của một số THT đã góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các tổ viên, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất và là tiền đề để phát triển HTX.
Trong số đó, không thể không nói đến các HTX như: HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn; HTX Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên…
Bà Triệu Thị Bích Liệu – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trấn Yên nói: “Trong những năm qua, huyện Trấn Yên xác định rõ muốn sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu hoạch chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và thành lập mới THT, HTX trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Đến nay, tất cả các sản phẩm chủ lực của huyện như: măng tre Bát độ, quế, dâu tằm, chè, gia cầm đã đem lại hiệu quả cao”.
Trấn Yên đã xây dựng làng nghề sản xuất chè chất lượng cao; làng nghề trồng dâu nuôi tằm; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Hiện nay, huyện có 3.565 ha tre măng Bát độ, sản lượng măng vỏ tươi năm 2020 ước đạt 70.000 tấn, măng thương phẩm ước đạt 25.000 tấn, giá trị ước đạt trên 100 tỷ đồng, thu nhập trên 1 ha tre măng Bát độ kinh doanh đạt 35 đến 40 triệu đồng/năm.
Sản phẩm măng Bát độ có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản; Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ cho nông dân thông qua HTX, THT tạo thành chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ, tính bền vững cao.
Tương tự như cây tre măng Bát độ, việc liên kết trong phát triển trồng dâu, nuôi tằm đang trở thành một ngành kinh tế chủ lực. Nhân dân các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca… đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất mầu bãi, đất vườn hộ, đất gò thấp sang trồng dâu nuôi tằm trên 760 ha, dự kiến hết năm 2020 diện tích sẽ là 900 ha. Dự ước sản lượng kén tằm năm 2020 đạt trên 1.000 tấn bán cho thu 100 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, cơ bản các hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn đều tham gia THT, HTX và liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cung ứng giống để cung ứng tằm giống, vật tư nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân hướng tới sản xuất bền vững.
Đến nay, đã có 800 thành viên thuộc 10 HTX và 80 THT được thành lập và hoạt động liên kết sản xuất trong nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả rất cao, giá trị thu nhập từ 1 ha trồng dâu và nuôi tằm đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần.
Có thể thấy, liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế nói chung và đối với hoạt động của mỗi công ty, DN và mỗi người dân nông thôn nói riêng.
Liên kết, liên doanh sản xuất cũng là hình thức phân bố hài hòa lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân tham gia. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất, thành lập mới và củng cố hoạt động của các HTX, THT trong nông nghiệp làm đầu mối liên kết giữa DN với người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị.
Thanh Phúc -http://baoyenbai.com.vn/